Trang chủ
Nghiên cứu khoa học - Sinh hoạt khoa học, công nghệ

NGHIÊN CỨU THỰC TRẠNG BỆNH NHÂN NHIỄM GIUN ĐŨA CHÓ MÈO VÀ ĐÁNH GIÁ BƯỚC ĐẦU HIỆU QUẢ ĐIỀU TRỊ BẰNG ALBENDAZOL TẠI KHOA KHÁM BỆNH VIỆN ĐA KHOA QUẬN Ô MÔN NĂM 2019
(Lương Thị Bé Mười, Cao Thị Hồng Yên, Nguyễn Trọng Nghĩa)

CÁC CHỮ VIẾT TẮT

ALB            :         Albendazol

AT              :         Ấu trùng

ATGĐCM   :         Ấu trùng giun đũa chó mèo

BCAT         :         Bạch cầu ái toan

CBVC         :         Cán bộ viên chức

CSHQ         :         Chỉ số hiệu quả

DEC           :         Dietylcarbamazine

MEB           :         Mebandazol

TBZ            :         Thialbendazol

TCLS          :         Triệu chứng lâm sàng

XN              :         Xét nghiệm

ĐẶT VẤN ĐỀ

Bệnh ấu trùng giun đũa chó/mèo thuộc nhóm “bệnh động vật” (zoonosis) tức bệnh từ thú có xương sống lây truyền sang người. Giun đũa ở chó là Toxocara canis, ở mèo là Toxocara cati. Người bị nhiễm do tình cờ nuốt trứng có ấu trùng của Toxocara spp nhiễm trong đất, nước, hoặc thức ăn do chất phóng uế bừa bãi của những con chó/mèo bị nhiễm bệnh. Các ấu trùng đi vào trong ruột, di chuyển đến nội tạng, nơi đây chúng có thể sống nhiều năm ở dạng tự do hay hóa kén nhưng không bao giờ phát triển thành giun trưởng thành. Quan trọng nhất là ấu trùng giun đũa chó/mèo chu du khắp nơi trong cơ thể và có thể đến các cơ quan như: não, mắt, gan, phổi...gây ra một số triệu chứng nguy hiểm như động kinh (ký sinh ở não), giảm thị lực hoặc mù (ký sinh ở mắt) [5].

Tại khu vực miền Trung-Tây Nguyên, tình hình nhiễm ấu trùng giun đũa chó/mèo có xu hướng ngày một gia tăng. Qua theo dõi tại Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Quy Nhơn cho thấy mỗi năm phát hiện hàng nghìn trường hợp có huyết thanh dương tính với ấu trùng giun đũa chó/mèo, đa số đến từ các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi, Phú Yên, Gia Lai, Đăk Lăk, Khánh Hòa [2],[7].

Công tác phòng chống nhiễm ấu trùng giun đũa chó/mèo cũng chưa được quan tâm. Các nghiên cứu trên thế giới chỉ tập trung vào dịch tễ, các yếu tố nguy cơ và đưa ra các khuyến cáo về phòng bệnh; còn tại Việt Nam cho đến nay chưa có nghiên cứu can thiệp phòng chống nào trong cộng đồng, điều này có thể làm cho tỷ lệ nhiễm ngày càng tăng cao, gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.

Tại Việt Nam trong những năm gần đây bệnh đã xuất hiện ở nhiều nơi và có xu hướng gia tăng nhanh. Bên cạnh đó, ở nước ta người dân có thói quen nuôi chó không kiểm soát, thả rong, phân chó gặp ở khắp nơi, nên tất cả con người đều có nguy cơ nuốt phải trứng giun.

Bệnh viện Đa khoa quận Ô Môn là bệnh viện hạng II đã triển khai nhiều kỹ thuật xét nghiệm trong đó, kỹ thuật xét nghiệm ELISA tìm kháng thể giun đũa chó mèo được triển khai vào tháng 7 năm 2017. Thời gian qua, có nhiều bệnh nhân đến khám bệnh và được phát hiện nhiễm Toxocara sp. hay giun đũa chó mèo. Có người hoang mang và thậm chí mất bình tĩnh khi cầm trên tay một xét nghiệm huyết thanh miễn dịch ELISA dương tính với giun đũa chó mèo, trong khi đó có người biểu hiện triệu chứng hoặc không biểu hiện triệu chứng, nhưng phần lớn các triệu chứng lâm sàng này không điển hình và rất mơ hồ và một điểm chung là cảm thấy “ngứa và nỗi mẩn đỏ ở da”.

Nhằm giúp cập nhật thông tin và nắm rõ về căn bệnh này nhằm giúp chẩn đoán đúng, điều trị có hiệu quả, chúng tôi tiến hành đề tài: “Nghiên cứu thực trạng bệnh nhân nhiễm giun đũa chó mèo và đánh giá bước đầu hiệu quả điều trị bằng Albendazole tại Khoa Khám của bệnh viện đa khoa quận Ô Môn” với mục tiêu nghiên cứu sau:

1. Đánh giá thực trạng, một số yếu tố nguy trên bệnh nhân nhiễm  giun đũa chó mèo tại  Khoa Khám của bệnh viện đa khoa quận Ô Môn.

2. Đánh giá bước đầu hiệu quả điều trị của Albendazole trên người nhiễm ấu trùng giun đũa chó mèo.

Chương 1

TỔNG QUAN TÀI LIỆU

1.1.Lịch sử nghiên cứu bệnh ấu trùng giun đũa chó/mèo

1.1.1.Trên thế giới

Năm 1824: Bệnh ấu trùng giun đũa mèo do Toxocara cati (T. cati) được phát hiện đầu tiên, sau đó giới khoa học tiếp tục quan tâm đến những năm gần đây, rất tiếc không gặp nhiều ca nhiễm T. cati trên người (số liệu y văn từ năm 1824-2005 chỉ có 36 trường hợp nhiễm ấu trùng giun đũa mèo T. cati kể từ ca bệnh đầu tiên).

Năm 1958: Sprent mô tả những điểm nổi bật nhất mở ra sự hiểu biết về bệnh do giun đũa chó T. canis khi ông nghiên cứu về chu kỳ sinh học và phát triển của T. canis rồi vẽ ra cơ chế lan truyền của loài ký sinh trùng này. Các nghiên cứu tương lai làm rõ thêm nhiều khía cạnh quan trọng về bệnh giun đũa chó, mặc dù sự chú ý chủ yếu tập trung vào chẩn đoán thể ấu trùng di chuyển ở mắt. Đến năm 1979, Ehrhard và Kernbaum tổng kết 350 ca bệnh ấu trùng giun đũa chó/mèo (ATGĐCM) bao gồm nhiều thể lâm sàng khác nhau và đã công bố từng ca hay hàng loạt ca về bệnh ATGĐCM [11].

Vì không trải qua giai đoạn trưởng thành được ở người, chỉ ký sinh giai đoạn ấu trùng nên không đẻ trứng; do đó việc chẩn đoán bệnh phải dựa vào phương pháp miễn dịch học, tìm kháng thể kháng giun trong huyết thanh bệnh nhân. Bằng phản ứng miễn dịch học, nhiều tác giả trên thế giới đã phát hiện nhiều trường hợp nhiễm ATGĐCM lạc chủ ở người. Qua thời gian, người ta tiếp tục khám phá ra rằng các thể bệnh ấu trùng di chuyển nội tạng thường gặp hơn thể mắt. Các nghiên cứu sau đó tiếp tục tiến hành cho đến ngày nay với hy vọng hiểu biết hơn về tính phức tạp trong bệnh ATGĐCM và tiềm năng các liệu pháp điều trị mới.

1.1.2.Tại Việt Nam

Trường hợp bệnh đầu tiên được phát hiện vào năm 1988 tại Bệnh viện Nhi đồng II, thành phố Hồ Chí Minh. Một cháu bé có bệnh lý về gan, bạch cầu ái toan (BCAT) tăng cao, huyết thanh của cháu bé được chuyển sang Pháp để chẩn đoán bệnh, kết quả có kháng thể kháng T. canis dương tính trong máu [5]. Chó là con vật thân thiết đối với nhiều gia đình nên chắc chắn bệnh không phải là hiếm ở nước ta, vì vậy ứng dụng huyết thanh chẩn đoán đã phát hiện hàng nghìn người có huyết thanh dương tính với loại giun tròn này. Năm 1988, Trần Vinh Hiển và cộng sự gặp ở Bệnh viện Nhi đồng 2, thành phố Hồ Chí Minh một bệnh nhi ở Long An bị sốt kéo dài, BCAT tăng rất cao trong máu, sau đó huyết thanh của bệnh nhân được gởi sang Pháp xét nghiệm xác định nhiễm T. canis [5].

Từ năm 2000 đến nay, việc nghiên cứu nhiễm ATGĐCM tại Việt Nam mới thực sự được quan tâm và ngày càng nhiều nghiên cứu tập trung vào các mảng khác nhau đối với căn bệnh này.

1.2.Đặc điểm sinh học của giun đũa chó mèo Toxocara spp.

1.2.1.Tác nhân gây bệnh

Trong số các loài giun thuộc giống Toxocara thì chỉ có 2 loài Toxocara canis (T. canis) Toxocara cati (T. cati) được chứng minh là tác nhân gây bệnh cho người, vật chủ chính của T. canis là chó và T. cati là mèo [5].

  • Hình thể của giun T. canis
    • Giun trưởng thành:

+ Con đực dài 4 - 6 cm

+ Con cái dài 5 - 10 cm

  • Ấu trùng : kích thước 400 µm x 20 µm
  • Trứng : hình cầu, kích thước 85 µm x 75 µm, vỏ màu đậm [5].

* Ở chó:

Khi chó cái nuốt phải trứng có ấu trùng của giun đũa chó, trứng nở trong dạ dày và ruột non, trứng giải phóng ấu trùng giai đoạn 2 xâm nhập vào thành ruột rồi theo đường máu di chuyển khắp nơi trong cơ thể. Khoảng một tuần sau, tất cả ấu trùng giai đoạn 2 đã có mặt trong nhu mô gan, phổi, thận, não. Vì vậy, không có giun trưởng thành ở ruột chó cái, ấu trùng có thể tồn tại trong các mô của chó cái trên hàng tháng hay hàng năm mà không phát triển thêm nữa. Nếu chó cái có thai, ấu trùng di chuyển qua bánh nhau, tới mô gan và phổi của thai. Sự xâm nhập vào thai không xảy ra trước ngày thứ 42 của thai kỳ và cũng không thể xảy ra khi chó mẹ mới bị nhiễm khoảng nửa tháng. Ấu trùng xâm nhập vào thai thường do chó mẹ bị nhiễm từ cả năm trước. Lúc sinh ra, ấu trùng giai đoạn 3 được tìm thấy chủ yếu trong mô phổi của chó con. Từ đó, ấu trùng di chuyển đến khí quản, đi lên và đi xuống lại thực quản đến dạ dày, phát triển thành ấu trùng giai đoạn 4 vào khoảng 3 ngày tuổi. Khoảng từ ngày tuổi thứ 11 đến ngày 21, số giun trưởng thành tăng trong ruột non và sau 3 tuần, trứng bắt đầu xuất hiện trong phân chó con [5].

* Ở người:

-    Người bị nhiễm AT giun đũa chó do nuốt phải trứng có phôi hoặc ăn thịt của vật chủ khác có chứa AT. Sau khi vào đường tiêu hóa, AT tách ra khỏi trứng trưởng thành đi đến các cơ quan khác bằng con đường di chuyển trong cơ thể. Chúng có thể chu du vài lần đến các mô cuối cùng đóng kén và tạo u hạt, làm tăng bạch cầu ái toan (BCAT) ở tất cả các cơ quan ch nh của cơ thể, trong đó có cả não và mắt [10].

 

1.3. Triệu chứng lâm sàng, chẩn đoán và điều trị bệnh ấu trùng giun đũa chó/mèo ở người

1.3.1. Triệu chứng lâm sàng

 Trong thực hành lâm sàng, một số trường hợp nhiễm ấu trùng Toxocara spp. không biểu hiện triệu chứng, nhưng khi có triệu chứng có thể biểu hiện dưới nhiều hội  chứng và thể bệnh khác nhau [8].

Triệu chứng lâm sàng bệnh ATGĐCM ở người phần lớn là do sự di chuyển của ấu trùng giai đoạn 3 của Toxocara spp. qua đường máu đến các tổ chức  trong cơ thể bao gồm ở cơ, gan, não và mắt. Sự di chuyển của ấu trùng có thể dẫn tới nhiều triệu chứng, và các triệu chứng này phụ thuộc vào cơ quan hoặc tổ chức bị ấu trùng ký sinh, thời gian, số lượng ấu trùng, tuổi và đáp ứng miễn dịch với ấu trùng từ cơ thể. Nhiều trường hợp không biểu hiện triệu chứng nếu nhiễm nhẹ, tuy nhiên ở những bệnh nhân khác, ấu trùng có thể di chuyển đến các tạng gan, phổi, tim, não, mắt và có thể gây ra các vấn đề về sức khoẻ như: hội chứng tăng bạch cấu ái toan mạn tính, tăng bạch cầu chung, sốt, gan to, viêm phế quản, giả hen, viêm phổi, viêm cơ tim, động kinh, viêm võng mạc, viêm kết mạc, viêm màng bồ đào, viêm nhãn cầu [8]. Tử vong do bệnh ATGĐCM là hiếm nhưng cũng đã gặp một số trường hợp ấu trùng ký sinh ở gan, phổi hoặc não nếu không điều trị kịp thời. Những trường hợp ấu trùng ký sinh ở mắt có thể gây giảm thị lực và mù vĩnh viễn. Hiện nay tại Mỹ, bệnh ATGĐCM là một trong năm bệnh nhiệt đới bị lãng quên đang được quan tâm vì theo thống kê mỗi năm có ít nhất 70 người (chủ yếu là trẻ em) bị mù do bệnh này [11].

Mặc dù triệu chứng lâm sàng của bệnh ấu trùng giun đũa chó không rõ ràng và đặc hiệu nhưng việc chẩn đoán có thể dựa trên những biểu hiện của một số thể lâm sàng như thể nội tạng, thể ở mắt, thể thần kinh và thể thông thường [11].

*   Thể nội tạng: là hội chứng thường gặp nhất ở những người bị nhiễm bệnh, đặc biệt là trẻ em, với các dấu hiệu lâm sàng như ho, thở khò khè, đau cơ hoặc biểu hiện da (ví dụ ngứa, phát ban, chàm, viêm túi mật và viêm mạch máu)[11].

*    Thể ở mắt: phổ biến và thường gặp ở trẻ em từ 3 đến 16 tuổi. Ấu trùng có thể gây giảm thị lực thường ở một bên mắt, ngoại lệ cũng có ảnh hưởng hai bên mắt. Soi đáy mắt thấy dạng viêm hạt ở võng mạc, viêm kết mạc, u hạt trong mắt, viêm nội nhãn do ấu trùng di chuyển còn sống, hoặc đã chết gây tái hoạt miễn dịch. Mù có thể xảy ra do tình trạng viêm mống mắt, phù mô và bong võng mạc không điều trị kịp thời [11].

*   Thể thần kinh: rất hiếm và xảy ra chủ yếu ở những người trung niên. Hội chứng này liên quan đến sự di chuyển ấu trùng ở hệ thần kinh trung ương và tiếp theo là viêm màng não, viêm não, viêm mạch máu não, hoặc viêm tủy, thường liên quan đến các triệu chứng lâm sàng tương đối không đặc hiệu, sốt và nhức đầu.

*    Thể không điển hình hoặc thể thông thường: gồm các triệu chứng lâm sàng như sốt, chán ăn, nhức đầu, thở khò khè, buồn nôn, đau bụng, nôn mửa, lơ mơ, buồn ngủ và rối loạn hành vi, phổi, viêm phế quản, các triệu chứng, đau chân tay, viêm đại tràng và gan lớn xảy ra ở trẻ em, trong khi đó suy nhược, ngứa, phát ban, rối loạn chức năng phổi, suy giảm phổi và đau bụng có thể thấy chủ yếu ở người lớn [11].

1.3.2. Chẩn đoán

Hầu hết trường hợp nhiễm AT giun đũa chó là không biểu hiện triệu chứng.

Việc chẩn đoán bệnh giun đũa chó chủ yếu dựa vào:

-   Tiền sử: Có tiếp xúc trực tiếp với chó hay gián tiếp do nghịch đất, mút tay…ăn rau sống hay trái cây không rửa kỹ, nấu không chín có chứa AT giun đũa chó.

-  Biểu hiện lâm sàng: Các tiêu chuẩn chẩn đoán về lâm sàng tuỳ theo thể lâm sàng, cơ quan bị tổn thương.

-  Xét nghiệm cận lâm sàng:

+ Điện di đạm máu: Tăng gamma globulin (globulin không đặc hiệu).

+ Công thức máu: Có tăng BCAT hoặc không tăng.

+ Tốc độ máu lắng: Tăng khi có phản ứng viêm toàn thân.

+ Vi thể: có thể tìm thấy dấu vết của ấu trùng ở trung tâm các u hạt viêm, tế bào khổng lồ và mô sợi (hiếm gặp).

+ Rất khó hoặc không tìm thấy được AT giun đũa chó trong mô.

+ Hình ảnh học: Có thể thấy những nốt sang thương ở não, gan…chỉ có tính chất gợi ý.

+ Trên thực tế, chẩn đoán xác định dựa vào kỹ thuật ELISA với kháng nguyên của giun đũa chó [10].

Tuy nhiên, sử dụng bộ kít xét nghiệm chỉ cho kết quả huyết thanh dương tính hay âm tính với giun đũa chó, vì có nhiều trường hợp dương tính nhưng không có triệu chứng lâm sàng. Do đó việc chẩn đoán xác định bệnh ấu trùng giun đũa chó cần phải kết hợp thêm các triệu chứng lâm sàng. Ngoài ra, nhiễm ATGĐCM là một trong những nguyên nhân gây tăng bạch cầu ái toan (BCAT) trong máu ngoại vi và kích thích sự thâm nhiễm BCAT trong các cơ quan nội tạng [3].

Một số nghiên cứu đánh giá tỷ lệ tăng BCAT trên số ca huyết thanh dương tính giun đũa chó cho thấy tỷ lệ cũng khác nhau như nghiên cứu của NguyễnVăn Chương (2014) tại Bình Định và Đăk Lăk, tỷ lệ BCAT trên 8% là 27,1%; của Bùi Văn Tuấn (2012) tại Bình Định và Gia Lai là 30,8% hay của Trần Thị Hồng (2000) tại Củ Chi là 52% [4],[6],[12].

* Một số định nghĩa về kháng nguyên, kháng thể, OD và bệnh truyền nhiễm:

- Kháng nguyên: Là phân tử kích thích đáp ứng miễn dịch của cơ thể, đặc biệt là sản xuất kháng thể. Thông thường kháng nguyên là một protein hay một polysaccharide, nhưng nó cũng có thể là bất cứ loại phân tử nào, mang các phân tử hapten nhỏ và gắn với một protein chuyên chở.

- Kháng thể: Là các phân tử immunoglobulin (có bản chất glycoprotein), do các tế bào lympho B cũng như các tương bào (plasma – biệt hóa từ lympho B) tiết ra để hệ miễn dịch nhận biết và vô hiệu hóa các tác nhân lạ, chẳng hạn các vi khuẩn hoặc virus. Mỗi kháng thể chỉ có thể nhận diện một epitope kháng nguyên duy nhất.

- OD (Optical Density): Là đo mật độ quang học hay độ hấp thu.

- Định nghĩa về bệnh ATGĐCM: Theo tài liệu “Định nghĩa trường hợp bệnh truyền nhiễm”, ban hành kèm theo Quyết định số 4283/QĐ-BYT ngày 8/8/2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế [1].

- Trường hợp bệnh nghi ngờ:

Là trường hợp có các triệu chứng sau:

+ Ngứa, nổi mẩn;

+ Đau đầu, đau bụng, khó tiêu;

+ Đau nhức mỏi, tê bì;

+ Sốt, thở khò khè;

+ Có thể kèm theo một hoặc các triệu chứng sau: gan to, viêm phổi, đau bụng mãn tính, rối loạn thần kinh khu trú, tổn thương ở mắt, giảm thị lực, viêm mắt, tổn thương võng mạc.

-  Trường hợp bệnh có : Không áp dụng

-  Trường hợp bệnh xác định:

Là trường hợp bệnh nghi ngờ và tìm thấy ấu trùng giun đũa chó, mèo hoặc xác định được kháng thể kháng ấu trùng giun đũa chó, mèo bằng xét nghiệm ELISA hoặc phát hiện đoạn gen đặc hiệu của ấu trùng giun đũa chó, mèo bằng kỹ thuật sinh học phân tử.

1.3.3.  Điều trị

Các nhà nghiên cứu lâm sàng đều thống nhất là không cần điều trị cho những trường hợp chỉ có huyết thanh dương tính giun đũa chó mà không có triệu chứng lâm sàng. Điều trị bệnh ATGĐCM chỉ được tiến hành khi có kết quả xét nghiệm huyết thanh dương tính kết hợp với triệu chứng lâm sàng ở các thể thông thường, thể nội tạng và thể ở mắt. [3],[9]. Mặc dù kháng thể kháng IgG có thể tồn tại trong cơ thể người từ 6 tháng đến 1 năm, thậm chí có trường hợp kéo dài đến 2 năm, nhưng theo một số tác giả cho rằng khi ấu trùng giun đũa chó lưu hành trong máu nếu không ký sinh ở tổ chức thì sẽ chết và bị đào thải, kháng thể sẽ giảm dần từ 6 tháng đến 1 năm (trong trường hợp không tái nhiễm) và những trường hợp ấu trùng giun đũa chó ký sinh ở tổ chức (có gây triệu chứng lâm sàng), khi điều trị bằng albendazol liều 15 mg/kg cân nặng trong 21 ngày, tỷ lệ kháng thể giảm sau 6 tháng là 78,6% và 88% [3],[9].

Hiện tại có một số loại thuốc trên thị trường có hiệu quả với bệnh ấu trùng giun đũa chó/ mèo, mỗi loại thuốc có cơ chế tác dụng riêng, nhiều thuốc phải dùng liệu trình dài ngày, nên khó tránh khỏi các tác dụng ngoại ý. Dưới đây là một số thuốc có hiệu quả và đã được nghiên cứu [13]:

+  Albendazole (ALB) loại viên nén 200mg hoặc 400mg, liều dùng 10-15mg/kg trong 5, 7, 14 hay 21 ngày cho thấy có hiệu quả trên các ca nhiễm ấu trùng giun đũa chó/ mèo trong 2-3 tuần liên tiếp qua nhiều nghiên cứu. Một số nghiên cứu có đến 60% ca phàn nàn về tác dụng phụ nhưng rất nhẹ không cần can thiệp.

Nghiên cứu của Garcia H.H và cộng sự (1997), điều trị bệnh ấu trùng giun đũa chó/ mèo liều 10-13mg/kg cân nặng/ngày trong 15 ngày và nghiên cứu của Kraivichian P năm 1992 điều trị bệnh giun đầu gai liều 15mg/kg cân nặng/ngày trong 21 ngày cho thấy đạt hiệu quả cao đồng thời tác dụng phụ rất thấp. Sử dụng albendazole điều trị liều dài ngày cũng đã được đề nghị như nghiên cứu của Hombu. A (2017) tại Nhật Bản, điều trị 246 ca với liều albendazole 10-15mg/kg cân nặng trong 4 tuần cho hiệu quả khỏi bệnh là 78%, tác dụng phụ là 15% nhưng mức độ nhẹ không cần phải can thiệp. Vì vậy ALB hiện nay đang là thuốc được lựa chọn ưu tiên để điều trị do tác dụng phụ rất thấp và thuốc sẵn có tại khắp nơi trên thế giới, song có nhược điểm là thuốc dùng dài ngày, cần có sự tuân thủ điều trị của bệnh nhân.

Tại Việt Nam, nhiều trường hợp nhiễm ấu trùng giun đũa chó/ mèo lạc chủ được phát hiện và điều trị tại Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng thành phố Hồ Chí Minh với phác đồ Albendazol liệu trình 21 ngày cũng cho kết quả cải thiện lâm sàng là 73% bệnh nhân hết ngứa, 92% hết mề đay và 88% xét nghiệm lại ELISA âm tính.

Nghiên cứu của Nguyễn Văn Chương tại khu vực miền Trung với Albendazol liều 15mg/kg cân nặng/ngày liệu trình 14 ngày đối với cộng đồng và 21 ngày với bệnh nhân tại cơ sở điều trị cho thấy sau 6 tháng, tỷ lệ khỏi tại cộng đồng là 71,7%, tại cơ sở điều trị là 86,3%. 

+ Thiabendazol (TBZ) loại viên nén 500 mg, liều dùng 25 mg/kg cân nặng/ ngày hoặc liều cao 50mg/kg cân nặng/ngày trong 2-3 ngày (thể da niêm mạc, thể thông thường) đến 7 ngày (thể nội tạng), hiệu quả cải thiện về lâm sàng 50% và 53% tương ứng liều ở trên. Tác dụng ngoại ý gồm chóng mặt, buồn nôn và nôn mửa. Thuốc không những có tác dụng với ấu trùng Toxocara spp. mà còn có tác dụng trên cả nhiều loại giun tròn khác;

+ Dietylcarbamazine (DEC) viên nén 100mg, liều 3-4mg/kg cân nặng/ngày trong 21 ngày. Hiệu quả giảm triệu chứng lâm sàng cao (70%). Tác dụng ngoại ý chiếm 28% như mệt mỏi, chóng mặt, buồn nôn, nôn, đau bụng. Mặc dù hiệu quả cao nhưng nhiều tác dụng ngoại ý nên Dietylcarbamazine không phải là thuốc được lựa chọn ưu tiên trong điều trị bệnh ấu trùng giun đũa chó/ mèo và hiện thuốc không có sẵn trên thị trường;

+ Mebendazol (MEB) viên nén 500mg, liều 20-25mg/kg cân nặng/ngày trong 3 tuần, hiệu quả đạt 70% cải thiện lâm sàng. Tác dụng phụ gồm chóng mặt, buồn nôn, đau bụng chiếm 17%. Như thuốc ALB thì thuốc Mebendazol cũng chuyển hóa qua gan nên có thể trong một số ca có thể làm tăng men gan.

1.4.    Phòng chống bệnh ấu trùng giun đũa chó/mèo ở Việt Nam

Bệnh ATGĐCM cùng với những căn bệnh gây ra bởi những loài giun sán khác được coi là những bệnh bị lãng quên. Trong chương trình phòng chống bệnh dại ở Việt Nam, hiện nay đã có những luật qui định (Nghị định số 05/2007 của Chính phủ về phòng, chống bệnh dại ở động vật) đối với các chủ nuôi động vật có liên quan như chó mèo, cấm thả rông vật nuôi ở những nơi đông dân cư, nơi công cộng, nếu có thì phải bịt mõm chó bằng rọ mõm. Tuy nhiên chưa có những khuyến cáo và luật qui định về xử lý phân chó mèo ở nơi công cộng đối với các chủ nuôi. Mặt khác, người dân Việt Nam đến 70% sống ở vùng nông thôn, với tập quán nuôi chó thả rông nên mầm bệnh phát tán ra ngoại cảnh điều hiển nhiên. Vì vậy, cần có những biện pháp can thiệp phòng chống nhiễm ATGĐCM đối với cộng đồng nhằm nâng cao kiến thức, thực hành của người dân về bệnh đồng thời giảm tỷ lệ nhiễm trong cộng đồng.

Cho đến nay chưa có nghiên cứu phòng chống bệnh ATGĐCM tại Việt Nam, vì đây là một trong những bệnh nhiệt đới ít được quan tâm. Trong những năm gần đây, số trường hợp nhiễm được phát hiện tăng cao nên Bộ Y tế yêu cầu xây dựng kế hoạch nghiên cứu phòng chống từ năm 2016 đến năm 2020. Nghiên cứu các biện pháp phòng chống bệnh ATGĐCM nhằm kiểm soát căn bệnh và nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống cho người dân là điều cần thiết.

Chương 2
ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1. ĐỐI TƯỢNG NGHIÊN CỨU

2.1.1. Đối tượng nghiên cứu:

Đối tượng nghiên cứu là các bệnh nhân được chỉ định làm xét nghiệm giun đũa chó đến khám và điều trị ngoại trú tại Bệnh viện đa khoa quận Ô Môn, kể từ tháng 4/2019 - 10/2019.

2.1.2. Vật liệu nghiên cứu:

-       Kỹ thuật xét nghiệm miễn dịch: Kỹ thuật ELISA phát hiện kháng thể IgG đặc hiệu Toxocara sp trong huyết thanh người. Sử dụng bộ sinh phẩm của Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại Phú Gia với độ nhạy 93%, độ đặc hiệu 88%.

- Thuốc điều trị bệnh nhiễm ATGĐCM là Albendazol 200mg (biệt dược là Albendazol Stada 200mg) của Công ty TNHH Liên Doanh Stada Việt Nam điều trị theo phác đồ tại Bệnh viện đa khoa quận Ô Môn như sau: Albendazol 400mg x 2 lần/ ngày (trẻ em 10mg/kg/ngày) trong 1-3 tuần.

2.1.3. Tiêu chuẩn lựa chọn

- Tất cả bệnh nhân có kết quả xét nghiệm chẩn đoán giun đũa chó dương tính.

- Đồng ý tham gia nghiên cứu

2.1.4. Tiêu chuẩn loại trừ

- Bệnh nhân không đồng ý tham gia nghiên cứu.

- Bệnh nhân dị ứng với thuốc Albendazol.

                   - Không đủ khả năng để trả lời phỏng vấn (tâm thần, câm điếc ...).

2.1.5.Thời gian nghiên cứu:

          - Thời gian: từ tháng 4/2019 đến tháng 10/2019

          - Địa điểm: Khoa Khám Bệnh viện đa khoa quận Ô Môn

2.2. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.2.1. Thiết kế nghiên cứu:

Nghiên cứu mô tả cắt ngang, thu thập kết quả dựa trên bảng câu hỏi

2.2.2. Cỡ mẫu và cách chọn mẫu:

- Cỡ mẫu: Lấy mẫu trong vòng một tháng

- Cách chọn mẫu: Chọn tất cả bệnh nhân có kết quả xét nghiệm chẩn đoán giun đũa chó mèo dương tính trong thời gian lấy mẫu.

2.2.3. Nội dung nghiên cứu:

2.2.3.1. Nghiên cứu thực trạng nhiễm ấu trùng giun đũa chó mèo ở người

-            Đặc điểm về giới tính và nhóm tuổi của mẫu nghiên cứu

-       Đặc điểm về trình độ học vấn và nghề nghiệp của người được phỏng vấn

- Mức độ OD/ngưỡng của số nhiễm ấu trùng giun đũa chó mèo

- Tỷ lệ bệnh ấu trùng giun đũa chó mèo ở người.

- Kiến thức, thực hành của người dân về bệnh ấu trùng giun đũa chó mèo.

2.2.3.2. Các yếu tố liên quan đến nhiễm ấu trùng giun đũa chó mèo ở người

- Liên quan giữa nuôi chó và nhiễm ấu trùng giun đũa chó mèo.

- Liên quan giữa ăn rau sống và nhiễm ấu trùng giun đũa chó mèo.

- Liên quan giữa bồng bế chó và nhiễm ấu trùng giun đũa chó mèo.

2.2.3.3. Hiệu quả điều trị trường hợp bệnh ATGĐCM của albendazol

-  Hiệu quả điều trị trường hợp bệnh ATGĐCM bằng albendazol

-  Hiệu quả điều trị làm giảm triệu chứng lâm sàng

2.2.4. Xử lý kết quả nghiên cứu:

Xử lý số liệu bằng phần mềm SPSS.

2.3. ĐẠO ĐỨC TRONG NGHIÊN CỨU:

- Các số liệu nghiên cứu được thu thập với sự đồng ý của cơ sở y tế tham gia nghiên cứu hoặc trực tiếp từ người bệnh.

- Tất cả thông tin cá nhân của bệnh nhân trong đề tài nghiên cứu đều được đảm bảo bí mật và chỉ dùng cho mục đích nghiên cứu.

Chương 3
KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

3.1. THỰC TRẠNG NHIỄM ẤU TRÙNG GIUN ĐŨA CHÓ MÈO Ở NGƯỜI

3.1.1. Tỷ lệ nhiễm ấu trùng giun đũa chó mèo theo một số đặc điểm

Bảng 3.1. Tỷ lệ nhiễm ấu trùng giun đũa chó mèo theo giới tính và tuổi

Đặc điểm

Số mẫu máu XN ELISA

Số nhiễm

Tỷ lệ (%)

Giới tính

Nam

28

19

65,52

Nữ

77

42

54,55

Nhóm tuổi

2 - 15

22

12

54,55

>15

83

49

59,00

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

*Nhận xét:

Tỷ lệ nhiễm ấu trùng giun đũa chó mèo ở nam là 65,52%; ở nữ là 54,55%.

Tỷ lệ nhiễm ấu trùng giun đũa chó mèo ở nhóm tuổi ở nhóm từ 2-15 tuổi là 54,55%; trên 15 tuổi là 59,00%.

3.1.2. Đặc điểm về trình độ học vấn và nghề nghiệp của người được phỏng vấn

Bảng 3.2. Trình độ học vấn và nghề nghiệp của người được phỏng vấn

Đặc điểm

Số lượng

Tỷ lệ (%)

Trình độ học vấn

Tiểu học trở xuống

32

52,50

Trung học cơ sở

20

32,80

Trung học phổ thông trở lên

9

14,80

 

Nghề nghiệp

Làm nông

22

36,10

CBVC

3

4,90

Học sinh, sinh viên

17

27,90

Già

6

9,80

Khác

13

21,30

        *Nhận xét:

        Tỷ lệ nhiễm ấu trùng giun đũa chó mèo ở nhóm tiểu học trở xuống là 52,50%; ở nhóm trung học cơ sở là 32,80% và nhóm trung học phổ thông trở lên là 14,80%.

        Tỷ lệ nhiễm ấu trùng giun đũa chó mèo ở nhóm làm nông là 36,10%; ở nhóm CBVC là 4,90%; Học sinh, sinh viên là 27,90%; Già là 9,80% và nhóm khác là 21,30%.

3.1.3. Mức độ OD/ngưỡng của số nhiễm ấu trùng giun đũa chó mèo

Bảng 3.3. Mức độ OD/ngưỡng của số nhiễm ấu trùng giun đũa chó mèo

Mức OD

Số cas nhiễm

Tỷ lệ (%)

1-<1,25

3

4,90

1,25-1,5

6

9,80

> 1,5

52

85,20

*Nhận xét:

             Tỷ lệ nhiễm ấu trùng giun đũa chó mèo với OD/ngưỡng >1,5 là chủ yếu (85,20%); OD/ngưỡng 1,25-1,5 (9,80%); OD/ngưỡng 1-<1,25 (4,90%).

3.1.4. Tỷ lệ bệnh ấu trùng giun đũa chó mèo ở người.

Bảng 3.4. Triệu chứng lâm sàng trên một số trường hợp nhiễm ATGĐCM

TCLS

Số lượng

Tỷ lệ (%)

Ngứa, nổi mẩn

57

93,40

Đau đầu, chóng mặt

3

4,90

Đau bụng, RLTH

0

0,00

Nhức chân tay, tê bì

1

1,60

Sốt, thở khò khè

0

0,00

Khác

0

0,00

             *Nhận xét:

Khám lâm sàng bệnh nhân ATGĐC gồm 61 trường hợp cho thấy triệu chứng chiếm tỷ lệ cao như ngứa, nổi mẩn (93,40%), đau đầu (4,90%), nhức mỏi chân tay, tê bì (1,60%). Một số triệu chứng khác chưa gặp như đau bụng, sốt, thởi khò khè và các triệu chứng khác.

3.1.5. Kiến thức của người dân về bệnh ấu trùng giun đũa chó/mèo.

Bảng 3.5. Kiến thức của người dân về bệnh ATGĐCM

Kiến thức

Số lượng

Tỷ lệ (%)

Nghe nói về bệnh

19

31,10

Không

42

68,90

Nguy cơ nhiễm

Ăn rau, hoa quả sống

7

11,50

Bồng bế chó, mèo

11

18,00

Không biết

43

70,50

Triệu chứng bệnh

Ngứa, nổi mẩn

19

31,10

Đau đầu

0

0,00

Đau bụng, RLTH

0

0,00

Nhức chân tay, tê bì

0

0,00

Khác

0

0,00

Không biết

42

68,90

Phòng chống

Ăn uống chín

5

8,20

Tẩy giun cho chó

2

3,30

Xử lý phân chó

0

0,00

Rửa tay trước khi ăn

2

3,30

Không bồng bế chó mèo

6

9,80

Không biết

46

75,40

*Nhận xét:

Tỷ lệ có nghe nói về bệnh ấu trùng giun đũa chó mèo là 31,10%. Không nghe nói về bệnh là 68,90%.

Kiến thức về bệnh ATGĐCM thấp, tỷ lệ không biết về nguy cơ nhiễm là 70,50%; không biết về triệu chứng 68,90%; không biết về phòng chống là 75,40%.

3.2.  Các yếu tố liên quan đến nhiễm ấu trùng giun đũa chó mèo ở người:

Bảng 3.6. Liên quan giữa nuôi chó và nhiễm ấu trùng giun đũa chó mèo.

Nuôi chó

Nhiễm bệnh

Tỷ lệ (%)

38

62,3

Không

23

37,70

Tổng

61

100

         *Nhận xét:

         Tỷ lệ có nuôi chó nhiễm bệnh ATGDCM chiếm 62,30%; không nuôi chó nhiễm bệnh chiếm 37,70%.

Bảng 3.7. Liên quan giữa ăn rau sống và nhiễm ấu trùng giun đũa chó mèo

Ăn rau sống thường xuyên

Nhiễm bệnh

Tỷ lệ (%)

26

42,60

Không

35

57,40

Tổng

61

100

         *Nhận xét:

         Tỷ lệ có ăn rau sống thường xuyên nhiễm bệnh ATGDCM chiếm 42,60%; không ăn rau sống nhiễm bệnh chiếm 57,40%.

Bảng 3.8. Liên quan giữa bồng bế chó và nhiễm ấu trùng giun đũa chó mèo

Bồng bế chó thường xuyên

Nhiễm bệnh

Tỷ lệ (%)

32

52,50

Không

29

47,50

Tổng

61

100

*Nhận xét:

         Tỷ lệ có bồng bế chó thường xuyên nhiễm bệnh ATGDCM chiếm 52,50%; không bồng bế chó nhiễm bệnh chiếm 47,50%.

3.3.  Hiệu quả điều trị trường hợp bệnh ATGĐCM của albendazol

Bảng 3.9.  Hiệu quả điều trị trường hợp bệnh ATGĐCM bằng albendazol

                                             XN

Triệu chứng

<1

1-<1,25

1,25-1,5

>1,5

Tổng cộng

Còn triệu chứng

4

1

0

6

11

Không triệu chứng

29

8

2

11

50

         *Nhận xét:

        Số cas không còn triệu chứng là 50 cas, số cas còn triệu chứng là 11 cas.

Bảng 3.10. Hiệu quả điều trị làm giảm triệu chứng lâm sàng

Tiệu chứng lâm sàng

Trước điều trị

Sau điều trị

SL

%

SL

%

Ngứa, nổi mẩn

57

93,40

10

16,40

Đau đầu, chóng mặt

3

4,90

1

1,60

Đau bụng, RLTH

0

0,00

0

0,00

Nhức chân tay, tê bì

1

1,60

0

0,00

Triệu chứng khác

0

0,00

0

0,00

         *Nhận xét:

         Các triệu chứng lâm sàng sau điều trị đã giảm rõ rệt từ 0,0% - 16,40%

Chương 4
BÀN LUẬN

Bệnh viện đa khoa quận Ô Môn là nơi khám và điều trị cho hàng loạt bệnh nhân tuyến quận, huyện, xã và các vùng lân cận. Với số lượng bệnh nhân khá lớn, đội ngũ cán bộ nhân viên y tế của bệnh viện đã nỗ lực không ngừng để đem lại hiệu quả điều trị tốt nhất cho bệnh nhân

4.1. Thực trạng nhiễm ấu trùng giun đũa chó mèo ở người

4.1.1. Tỷ lệ nhiễm ấu trùng giun đũa chó mèo theo một số đặc điểm

Bảng 3.1. về đối tượng nghiên cứu được phỏng vấn khi đến làm xét nghiệm giun đũa chó là 105 người, trong đó có 61 người có kết quả xét nghiệm huyết thanh với mức OD>1 và 44 người có xét nghiệm huyết thanh với mức OD<1. Tỷ lệ tham gia nghiên cứu  ở nam giới là 65,52%, nữ giới là 54,55%; nhóm tuổi >15 tuổi chiếm 59%, nhóm tuổi từ 2-15 tuổi chiếm 54,55%.

Kết quả ở bảng 3.1 cho thấy tỷ lệ nhiễm giun đũa chó mèo ở nam cao hơn ở nữ. Theo nghiên cứu của Bùi Văn Tuấn thì tỷ lệ nhiễm giun đũa chó mèo ở nữ cao hơn nam không có sự khác biệt về tỷ lệ nhiễm ấu trùng giun đũa chó mèo giữa nam và nữ [11] vì tác giả cho rằng trẻ gái thường nghịch đất, bồng bế chó nhiều hơn trẻ nam. Tuy nhiên theo nghiên cứu của chúng tôi do lấy mẫu trong một tháng và những bệnh nhân đến khám được chỉ định làm xét nghiệm giun đũa chó trong tháng đó có thể nam nhiều hơn nữ, ngoài ra có thể là vì sự tiếp xúc môi trường và các sinh hoạt của hai giới như nhau.

Kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ nhiễm ấu trùng giun đũa chó mèo ở nhóm tuổi trên 15 tuổi cao hơn nhóm từ 2-15 tuổi         . Kết quả này phù hợp với kết quả nghiên cứu của Nguyễn Văn Chương ở Đăk Lăk [3], của Bùi Văn Tuấn ở Bình Định và Gia Lai [12]. Tại Việt Nam, nguy cơ nhiễm có thể xảy ra cả người lớn và trẻ em có thể là do mầm bệnh giun đũa chó tồn tại trong môi trường ngoại cảnh nhiều, cộng với phần lớn tỷ lệ người dân làm nghề nông sống tại khu vực nông thôn nên việc tiếp xúc đất ở họ là phổ biến.

4.1.2. Đặc điểm về trình độ học vấn và nghề nghiệp của người được phỏng vấn:

  Kết quả ở bảng 3.2. phân tích theo nghề nghiệp thì nhóm làm nông có tỷ lệ nhiễm ấu trùng giun đũa chó mèo cao hơn các nhóm khác. Ở Việt Nam, đến 70% người dân làm nông nên việc tiếp xúc với đất là thường xuyên, một số cán bộ công chức ngoài công việc chính cũng tham gia làm vườn, trồng cây cảnh nên cũng có tiếp xúc với đất. Đất là môi trường cho trứng giun đũa chó phát triển, nên khả năng lây nhiễm đối với hầu hết những người có tiếp xúc với đất. Nghiên cứu của chúng tôi cũng phù hợp với nghiên cứu của Nguyễn Văn Chương 2014 [4], nghiên cứu của Bùi Văn Tuấn 2012, nghề làm nông có tỷ lệ nhiễm cao hơn các nghề khác [12].

Về trình độ học vấn, nghiên cứu của chúng tôi cho thấy tỷ lệ nhiễm ấu trùng giun đũa chó mèo ở nhóm có trình độ học vấn từ tiểu học trở xuống là cao nhất (chiếm 52,50%), tiếp theo là nhóm có trình độ ở bậc trung học cơ sở là 32,80%. Nhóm trung học phổ thông trở lên có tỷ lệ nhiễm ấu trùng giun đũa chó mèo thấp nhất, chiếm 14,80%. So với các nghiên cứu trước đây của Bùi Văn Tuấn năm 2012, Nguyễn Văn Chương năm 2014, nhóm trình độ học vấn càng cao thì nhiễm ấu trùng giun đũa chó càng thấp thì kết quả chúng tôi cũng phù hợp[4],[12].

4.1.3. Triệu chứng bệnh ấu trùng giun đũa chó mèo ở người

  Kết quả ở bảng 3.4. cho thấy thống kê các triệu chứng lâm sàng của bệnh nhân nhiễm ATGĐCM gồm 61 trường hợp cho thấy triệu chứng chiếm tỷ lệ cao như ngứa, nổi mẩn (93,40%); đau đầu (4,90%); nhức mỏi chân tay, tê bì (1,60%), chưa thấy trường hợp bệnh nào có triệu chứng về mắt. Kết quả này cũng phù hợp với nghiên cứu của Bùi Văn Tuấn (2018), số trường hợp bệnh ấu trùng giun đũa chó mèo cũng có một số triệu chứng chiếm tỷ lệ cao như ngứa, nổi mẩn (69%), đau đầu (63,9%), nhức mỏi chân tay (38,8%)[11].

4.1.4. Kiến thức của người dân về bệnh ấu trùng giun đũa chó mèo:

Kết quả ở bảng 3.5 cho thấy tỷ lệ có nghe nói về bệnh ấu trùng giun đũa chó mèo trước can thiệp là 31,80%, điều này chứng tỏ sự hiểu biết của người dân còn nhiều hạn chế. Kết quả điều tra về kiến thức người dân về nguy cơ lây nhiễm, triệu chứng bệnh và phòng chống bệnh cho thấy tỷ lệ người dân không có kiến thức là 70,50%; 68,90% và 75,40% tương ứng. Kết quả này phù hợp với nghiên cứu của Nguyễn Văn Chương tại Bình Định và Đăk Lăk, tỷ lệ người dân không có kiến thức về bệnh ấu trùng giun đũa chó mèo là trên 50%, trong đó tỷ lệ không biết về nguy cơ nhiễm tại Bình Định từ 57-64,1%, tại Đăk Lăk từ 55,9-62,1%; không biết về triệu chứng bệnh tại Bình Định từ 44,1-56,5%, tại Đăk Lăk từ 48,9-51,6%; không biết về phòng chống tại Bình Định từ 59,1-64,7%, tại Đăk Lăk từ 53,7-56,5% [3]. Hiện nay chưa có một chương trình phòng chống bệnh ấu trùng giun đũa chó nào tại Việt Nam, hiểu biết về bệnh ATGĐCM qua người thân là chủ yếu do họ đã từng đi khám và xét nghiệm giun đũa chó tại Bệnh viện Da Liễu thành phố Cần Thơ và tại Bệnh viện Đa khoa quận Ô Môn. Ti vi và báo đài là phương tiện truyền thông phổ biến nhất, tuy nhiên các kênh thông tin lại hạn chế trong việc cung cấp thông tin bệnh này đến người dân, mặt khác đây là bệnh mới nổi trong vài năm gần đây nên khả năng hiểu biết của người dân còn bị hạn chế.

4.1.5. Các yếu tố liên quan đến nhiễm ấu trùng giun đũa chó mèo ở người

* Liên quan giữa nuôi chó và nhiễm ATGĐCM:

Ở bảng 3.6 cho thấy kết quả điều tra của 61 người bị nhiễm ATGĐCM thì tỷ lệ nuôi chó rất cao (62,30%), đa số người được phỏng vấn ở vùng nông thôn nên người dân thường nuôi chó để giữ nhà, mỗi nhà có thể nuôi từ 1-2 con chó, nhưng họ không có tẩy giun cho chó định kỳ và không biết cách xử lý phân chó. Như vậy với tỷ lệ nuôi chó cao và ít quan tâm đến việc tẩy giun định kỳ cho chó sẽ tạo điều kiện cho mầm bệnh phát tán nhiều ở ngoại cảnh đặc biệt là ở môi trường đất, dễ gây nhiễm vào người qua đường tiêu hóa. Theo nghiên cứu của Bùi Văn Tuấn (2018) cho thấy nguy cơ nhiễm ấu trùng giun đũa chó ở người nuôi chó cao gấp 1,9-2,8 lần ở người không nuôi chó (sự khác biệt có ý nghĩa thống kê p < 0,05).

* Liên quan giữa ăn rau sống và nhiễm ấu trùng giun đũa chó mèo:

Kết quả ở bảng 3.7 cho thấy thực hành về ăn uống có liên quan đến nhiễm bệnh ATGĐCM cho thấy tỷ lệ ăn rau sống thường xuyên là 42,60%. Do đặc điểm của đề tài là thống kê mô tả nên không có chọn nhóm chứng để so sánh. Nhưng theo kết quả nghiên cứu của Bùi Văn Tuấn (2012) tại Bình Định và Gia Lai, mối liên quan giữa ăn rau sống với nhiễm ấu trùng giun đũa chó cho thấy không có mối liên quan (p > 0,05), tỷ lệ người dân có ăn rau sống thường xuyên là 30,3%[12].

* Liên quan giữa bồng bế chó và nhiễm ấu trùng giun đũa chó mèo:

Kết quả ở bảng 3.8 cho thấy thực hành về thói quen sinh hoạt có liên quan đến nhiễm bệnh ATGĐCM cho thấy tỷ lệ bồng bế chó thường xuyên là 52,50%. Do đặc điểm của đề tài là thống kê mô tả nên không có chọn nhóm chứng để so sánh. Nhưng theo kết quả nghiên cứu của Bùi Văn Tuấn (2018), nguy cơ nhiễm ở người bồng bế chó cao gấp 4,9 lần người không bồng bế chó (p<0,01) khi nuôi, bồng bế chó mèo, nhất là chó con, khi chó bị nhiễm Toxocara canis, chó liếm hậu môn, liếm lông hoặc liếm người, người sẽ có nguy cơ mắc bệnh[11].

4.2. Hiệu quả điều trị trường hợp bệnh ATGĐCM bằng Albendazol:

          So sánh tỷ lệ nhiễm ATGĐC ở người trước và sau can thiệp bằng kỹ thuật ELISA phát hiện kháng thể kháng IgG ở người. Do kháng thể kháng IgG có thể tồn tại trong cơ thể người từ 6 tháng đến 1 năm, thậm chí có trường hợp kéo dài đến 2 năm, mặc dù một số tác giả cho rằng khi ấu trùng giun đũa chó lưu hành trong máu nếu không ký sinh ở tổ chức thì sẽ chết và bị đào thải, kháng thể sẽ giảm dần từ 6 tháng đến 1 năm (trong trường hợp không tái nhiễm) và những trường hợp ấu trùng giun đũa chó ký sinh ở tổ chức (có gây triệu chứng lâm sàng).

Theo phác đồ điều trị của bệnh viện đa khoa quận Ô Môn: Albendazone  400mg x 2 lần/ ngày (trẻ em 10mg/kg/ngày) trong 3 tuần, sau 6 tháng điều trị bằng thuốc Albendazol, tiến hành xét nghiệm lại cho 61 người. Kết quả ở bảng 3.9 và 3.10 cho thấy, 50 trường hợp kháng thể kháng IgG giảm và không còn triệu chứng; 11 trường hợp kháng thể kháng IgG giảm và còn triệu chứng. Các triệu chứng lâm sàng chủ yếu như ngứa, nổi mẫn từ 93,40% còn 16,40%; đau đầu từ 4,90% còn 1,60%. Kết quả này phù hợp với kết quả nghiên cứu của Trần Ngọc Thảo (2011-2012): sau 6 tháng điều trị, các triệu chứng lâm sàng trên người nhiễm đều có tỉ lệ giảm đáng kể: Mẩn ngứa (37,3%-2,4%), nổi mề đay (4,7%-1,6%), đau mình mẩy (19,0%-2,4%), đau đầu (8,7%-0). Sự thay đổi trên có ý nghĩa thống kê với p<0,05[10].

KẾT LUẬN

Đề tài Nghiên cứu thực trạng bệnh nhân nhiễm giun đũa chó mèo và hiệu quả điều trị bằng Albendazole tại Khoa Khám của bệnh viện đa khoa quận Ô Môn” với 61 bệnh nhân được phỏng vấn đã thu được kết quả sau:

- Tỷ lệ nhiễm ấu trùng giun đũa chó mèo: Nam là 65,52%; Nữ là 54,55%.

- Tỷ lệ nhiễm ấu trùng giun đũa chó mèo: Nhóm tuổi trên 15 tuổi là 59,00%; Nhóm từ 2-15 tuổi là 54,55%.

- Tỷ lệ nhiễm ấu trùng giun đũa chó mèo: Nhóm tiển học trở xuống là 52,50%;  Nhóm trung học cơ sở là 32,80%; Nhóm trung học phổ thông trở lên là 14,80%.

- T ỷ lệ nhiễm ấu trùng giun đũa chó mèo: Nhóm làm nông là 36,10%; Nhóm CBVC là 4,90%; Nhóm khác là 31,10%. Với mức OD/ngưỡng >1,5 là chủ yếu (85,20%); mức OD/ngưỡng 1,25-1,5 (9,80%); mức OD/ngưỡng 1-<1,25 (4,90%).

- Tỷ lệ nghe nói về bệnh ấu trùng giun đũa chó mèo: Có nghe nói về bệnh là 31,10%; Không nghe nói về bệnh là 68,90%.

-  Tỷ lệ không biết về nguy cơ nhiễm là 70,50%; Tỷ lệ không biết về triệu chứng 68,90%; Tỷ lệ không biết về phòng chống là 75,40%.

- Liên quan giữa nuôi chó và nhiễm ATGĐCM: Có nuôi chó chiếm 62,30%; Không nuôi chó chiếm 37,7%

- Liên quan giữa ăn rau sống và nhiễm ATGĐCM: Có ăn rau sống chiếm 42,60%; Không ăn rau sống chiếm 57,40%

- Liên quan giữa bồng bế chó và nhiễm ATGĐCM: Có bồng bế chó chiếm 52,50%; Không bồng bế chó chiếm 47,50%

- Hiệu quả điều trị trường hợp bệnh ATGĐCM của Albendazol: Số cas không còn triệu chứng là 50 cas; Số cas còn triệu chứng là 11 cas.

- Hiệu quả điều trị làm giảm triệu chứng bệnh ATGĐCM

    + Các triệu chứng lâm sàng sau điều trị đã giảm rõ rệt từ 0,0% - 16,40%

 

 

Tin cùng loại


SỞ Y TẾ THÀNH PHỐ CẦN THƠ
BỆNH VIỆN ĐA KHOA QUẬN Ô MÔN

Địa chỉ: Số 83, CMT8, P. Châu Văn Liêm, Q. Ô Môn, TP. Cần Thơ
Điện thoại: 02923.861.946 - Fax: 02923.860.305
Email: bvdk_omon@cantho.gov.vn

Design by Tính Sử