PHÒNG BỆNH MÙA NẮNG
VỚI 5 MÓN THỨC UỐNG NGON MIỆNG TỪ THẢO DƯỢC
Có không ít thảo dược dùng để nấu/sắc nước uống, nhưng không phải loại nào cũng dễ tìm và bạn thực sự biết cách dùng chúng. 5 công thức nấu nước uống từ thảo dược với nhiều công dụng khác nhau dưới đây sẽ giúp bạn có thêm nhiều lựa chọn cho mùa nắng nóng:
1. Giải nhiệt, thanh độc
- Thành phần: Cây mã đề (10-20g) + râu bắp (20-30g) + rễ cỏ tranh (20-30g)
- Công dụng: Lợi tiểu, hạ nhiệt, chống phù thũng, tăng tiết mật, giải độc, giảm đau.
2. Chống say nắng, nóng
- Thành phần: Lá tre (15-20g) + cúc hoa vàng (10-12g) + thân mía (15-20g)
- Công dụng: Hạ nhiệt, chống say nắng, lợi tiểu, giảm đau đầu, giải độc, chống nôn.
3. Phòng trị bệnh hô hấp
- Thành phần: Vỏ quít (trần bì, 8-10g) + thân hành hoặc củ hành (sâm đại hành, 15-20g).
- Công dụng: Ngăn ngừa và hỗ trị viêm mũi - họng, chống ho, kháng viêm, làm loãng và tiêu đờm, chống đầy hơi.
4. Ngừa rối loạn tiêu hóa
- Thành phần: Cam thảo nam (Cam thảo đất, 8-12g) + sả (8-10g) + gừng (4-6g)
Có thể kết hợp thêm lá muồng trâu khi bị táo bón (10-15g).
- Công dụng: Kích thích tiêu hóa, giải độc, chống đầy hơi, cầm nôn, chống viêm.
5. Tăng sức đề kháng
- Thành phần: Đinh lăng lá nhỏ (10-20g) + lá và trái dâu tằm (10-20g).
- Công dụng: Chống viêm, tăng cường miễn dịch, chống suy nhược, hạ nhiệt, chống đau mỏi, ổn định đường huyết.
Lưu ý khi chế biến, sử dụng
- Chọn nguyên liệu: Tốt nhất nên dùng tươi các loại cây, lá và chỉ dự trữ trong thời gian ngắn. Nếu để lâu chúng có thể bị hư và mất hết hoạt chất có lợi cho cơ thể. Nên hạn chế dùng những loại cây, lá khô vì nếu không bảo quản tốt chúng sẽ không có tác dụng trị bệnh, đôi khi còn gây hại vì nấm, mốc.
- Thời gian và cách nấu: Thông thường cho 2-2,5 lít nước vào nấu sôi, sau đó cho tất cả thành phần vào nấu trong khoảng 30-40 phút cho đến khi còn 1,5-2 lít là vừa. Với những loại rau có tinh dầu như húng chanh, húng quế, sả, gừng, khuynh diệp… không nên nấu với nhiệt độ quá nóng và quá lâu. Nếu nấu chung với các loại không chứa tinh dầu thì nên bỏ vào sau.
Chỉ nên chọn 2, 3 loại thảo dược nấu chung với nhau vì nếu nấu chung quá nhiều loại thì sự tương tác của chúng có thể không tốt cho sức khỏe.
- Sử dụng an toàn: Những người có cơ địa lạnh, dễ đầy bụng, tiêu chảy… không nên uống một lúc quá nhiều nước mát, đặc biệt là vào buổi tối.
Có thể cho thêm một số loại cây, lá có tính ấm, nóng như gừng, sả, vỏ quít… vào khi nấu, nhằm giảm bớt tính lạnh. Nước mát sau khi nấu có thể lưu trữ vài ngày trong tủ lạnh, tuy nhiên người có cơ địa lạnh, dễ viêm họng thì không nên uống quá lạnh.
KHOA NHI – BVĐK QUẬN Ô MÔN
SỞ Y TẾ THÀNH PHỐ CẦN THƠ
BỆNH VIỆN ĐA KHOA QUẬN Ô MÔN
Địa chỉ: Số 83, CMT8, P. Châu Văn Liêm, Q. Ô Môn, TP. Cần Thơ
Điện thoại: 02923.861.946 - Fax: 02923.860.305
Email: bvdk_omon@cantho.gov.vn
Design by Tính Sử